Trong quá trình dạy trẻ và can thiệp hành vi, nhiều phụ huynh rơi vào tâm lý lo lắng, thậm chí hoảng loạn khi con mình đột nhiên có những biểu hiện không bình thường. Những biểu hiện này có thể đã tồn tại từ trước nhưng tại thời điểm dạy cha mẹ mới phát hiện ra. Tuy nhiên, đôi khi những hành vi lạ lại bất ngờ xuất hiện ở trẻ.
Vậy phụ huynh chúng ta cần phải xử lý như thế nào?
Trong bài viết này, Tuệ Quang tổng hợp và xin gửi tới 3 câu hỏi phổ biến nhất từ các bậc phụ huynh đã gửi tới hòm thư [email protected].
1. Biểu hiện lè lưỡi, nghịch lưỡi
Hỏi: Mấy ngày gần đây bé có hành vi lè lưỡi: lè lưỡi liếm môi, đôi khi lè lưỡi dài xuống phía cằm (dù môi bé không bị khô, trẻ được đảm bảo uống đủ nước). Bé thường lè lưỡi lúc tập trung vào các vận động tinh hoặc đôi lúc khi ngồi chơi. Khi nhắc nhở bé thì bé không lè nữa. Tôi nghĩ hành vi của bé là hành vi “trải nghiệm”, có đúng không và làm sao để giảm biểu hiện này?
Hành vi lè lưỡi như mô tả có 2 vấn đề cần chú ý:
-
Thói quen: khi trẻ quá tập trung sẽ thè lưỡi (có trẻ bặm môi, méo miệng, chảy dãi..), chỉ nhắc là trẻ tự thay đổi.
-
Hành vi trải nghiệm thì không chỉ dừng lại lè lưỡi mà có lúc sẽ liếm quanh môi. Đôi lúc, trẻ có thể còn thêm biểu hiện thích niếm/liếm vào đồ vật, bàn tay hoặc nghịch với lưỡi, nước bọt là hành vi của chứng tự kỷ kèm một phần tự khám phá bản thân.
Các con gặp phải hiện tượng này, gia đình cần tích cực cắt hành vi bằng chườm nóng-lạnh, mát xa day góc cằm hàm, nhân trung … và các bài tập vận động cơ môi lưỡi khi thúc âm cũng giúp trẻ giảm dần hành vi này.
2. Không xác định được tay thuận
Hỏi: Trong bản đánh giá của Tuệ Quang gửi thì thấy bé chưa có tay thuận, nhưng tỉ lệ sử dụng tay trái nhiều hơn tay phải. Hiện gia đình bé cũng đang tập cho bé cầm bút, thìa bằng tay phải. Tôi muốn hỏi chỉnh như vậy có ảnh hưởng nhiều đến ngôn ngữ và lực cầm nắm của bé không? Và ở độ tuổi nào có thể chỉnh thuận? Sau độ tuổi nào thì không nên điều chỉnh tay thuận?
Chưa có tay thuận và sử dụng tay trái nhiều hơn tay phải không có nghĩa là trẻ thuận trái nhất là với những trường hợp trẻ hầu như không sử dụng tay. Điều này đồng nghĩa việc người lớn trong nhà không có ý thức dạy trẻ sử dụng tay (trường hợp cụ thể cua gia đình đang đặt câu hỏi) và luôn thực hiện các hoạt động phục vụ trẻ bằng tay phải nên khi nào trẻ quá hứng thú thì con sẽ lấy bằng tay trái.
Việc chấp thuận cho trẻ sử dụng tay trái chỉ khi tỷ lệ thực hiện các hoạt động bắt đầu với tay trái chiếm trên 80% khi đã đủ 36 tháng (vỏ não sơ khai hoàn chỉnh) thì mới chấp nhận chỉnh thuận trái. Các bậc phụ huynh nên lưu tâm rằng khi lớn lên, trẻ thuận trái sẽ gặp vô số khó khăn: phải mua kéo cho người thuận trái; cô giáo không để ý và dễ xếp chỗ ngồi không phù hợp gây khó khăn khi viết bài; giáo viên tiểu học không thể cầm tay chỉnh nét chữ từ phía sau nên sự học theo gặp khó khăn, gặp nhiều vấn đề khi dùng chuột máy tính sau này, v.v…
Vậy nên, với trường hợp này, Tuệ Quang xác định con chưa có tay thuận do việc rèn luyện và sử dụng tay trong sinh hoạt quá ít khiến trẻ chưa có kỹ năng sử dụng tay. Do đó, chưa thể kết luận trẻ thuận tay nào.
3. Các đầu ngón tay có xúc giác kém
Hỏi: Mẹ nhận thấy các đầu ngón tay của bé gần như không có cảm giác. Mẹ đã nhiều lần thử cắn vào đầu ngón tay của con để bật ra âm “A” mà mặt thằng bé không cảm xúc!
Các đầu chi không có cảm giác là vấn đề về rối loạn xúc giác. Gia đình nên chườm nóng lạnh tới các đầu chi, sử dụng thảm gai (thường dùng để chống trơn trượt tại các bể bơi – cắt cỡ: 20 x 20cm) đưa lên bàn tay để massage (hiệu quả hơn con lăn diện chẩn). Cha mẹ cũng nên cho con tập bò, đi tay gấu và xách nước (khối lượng can nước tùy theo độ tuổi và sức khỏe của mỗi trẻ) thật nhiều lần trong ngày.
Ngoài ra, các bài tập cầm, nắm các vật vừa tầm tay với các trạng thái đối lập: mềm/cứng; khô/ướt; dẻo dính/trơn nhẵn… tập nắm và vắt khăn mặt nhỏ cũng hỗ trợ điều hòa xúc giác ở các đầu chi. Các hoạt động này cũng có ích trong việc dạy trẻ các khái niệm tương phản.
Hải Ninh – Thìn Dương