Làm gì khi trẻ quá nhạy cảm với tiếng động?

BTV Tuệ QuangChia sẻ, Dạy và học, Hỏi đáp

Làm gì khi trẻ quá nhạy cảm với tiếng động nhỏ?

Hỏi: Con thường xuyên  sợ những tiếng động một cách vô lý (sợ tiếng nước chảy, tiếng chảo mỡ sôi khi xào, rán/chiên; tiếng cục điều hòa chạy…) nhưng lại không nghe thấy tiếng mẹ gọi.

Đáp:
Đây là một trong những biểu hiện của chứng tự kỷ do nhiễu loạn thính giác khiên cho tai phải nghe liên tục mọi âm thanh hỗn độn trong cuộc sống và khi quá tải thì hoặc không thể chịu được tiếng động dù là nhỏ nhất nhưng lại không nghe thấy cả những giọng nói thân quen.

Để giúp con thoát khỏi tình trạng này ngoài việc lựa chọn cho con những bản nhạc/đoạn nhạc phù hợp với ngưỡng nghe và sở thích để hàng ngày nghe trong các khung giờ nhất định thì việc sử dụng các dụng cụ gây tiếng động to, rõ, ngắn (gỗ, phách, còi..) vào những lúc con bị nhiễu loạn thính giác (gọi không hồi đáp hoặc phản ứng tiêu cực với âm thanh thông thường).

Cách luyện tai bằng dụng cụ phát ra âm thanh: Đứng phía sau, cách gáy con 30-40cm và bất ngờ gõ 1 tiếng ở mỗi bên tai. Việc này khiến cho âm thanh đi nhanh vào ốc tai và tác động trực tiếp vào tiền đình, các nhánh dây thần kinh thính giác giúp cho con có phản xạ nhanh hơn với âm thanh.

Lưu ý: Luôn đứng phía sau con và tạo tiếng động bất ngờ bởi một số trẻ khi nhìn thấy vật phát ra âm thanh sẽ “tự bế – điếc có điều kiện” và khi đó âm thanh sẽ không còn tác dụng cho việc luyện thính.

Tần suất gõ tạo âm thanh và cường độ âm thanh (dB) sẽ phụ thuộc vào mức độ nhiễu loạn thính giác và cũng sẽ được điều chỉnh giảm dần khi phản ứng với âm thanh của con được cải thiện.

Mặt khác, việc tăng cường hồi đáp cho con qua việc đặt ra tình huống giao tiếp tích cực( khuyến khích giao tiếp) và gọi con là điều các bậc phụ huynh cần quan tâm. Không gọi suông( gọi mà không có mục đích giao tiếp hoặc gọi chỉ để kiểm tra xem con có nghe được hay không?) mà việc gọi con, khuyến khích hồi đáp (bằng ngôn ngữ: gọi-dạ; bằng hàng động: quay lại, nhìn) là mở đầu cho 1 vòng giao tiếp nên ngay sau khi gọi con hãy yêu cầu hoặc hướng dẫn con thực hiện 1 phần việc mà con thích.
Ví dụ: Con ơi! Đi tìm quả bóng màu đỏ nào. Con ơi! Chúng mình cùng thi chạy nhé…

– Hải Ninh