Hòa nhập cộng đồng là một vấn đề được nhiều cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ quan tâm và hướng tới. Trẻ chỉ có thể hòa nhập cộng đồng khi đã có đầy đủ các kỹ năng về nhận thức cũng như tư duy để có thể tương tác, tuân thủ các quy tắc được đặt ra để có thể được cộng đồng (tức các bạn cùng trang lứa) chấp nhận.
Đó chính là lý do Tuệ Quang gửi tới các phụ huynh bài viết này và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài Dạy trẻ thông qua các đồ chơi. Mong rằng loạt bài viết này không chỉ là những gợi ý từ dạy khái niệm cơ bản tới hòa nhập, mà còn giúp các bậc cha mẹ có con tự kỷ hình thành một phương pháp dạy trẻ: chơi mà học – dạy con mọi lúc mọi nơi, với mọi tình huống, mọi đồ chơi hoặc vật dụng xung quanh bởi trẻ luôn học bằng mắt.
Để được một nhóm bạn nào đó chấp nhận và cho chơi cùng, trước hết, trẻ cần phải biết và hiểu luật chơi, các quy định trong trò chơi. Chắc hẳn các cha mẹ đã từng cảm thấy rất buồn khi con không thể chơi cùng nhóm trẻ hàng xóm lâu, cứ chơi được vài phút là con bị đẩy ra hoặc tự tách khỏi nhóm.
Đó là do con chưa hiểu luật chơi và không tuân thủ các quy tắc chung của nhóm như vậy, con tự tách mình ra khỏi nhóm bởi xưa nay việc dạy, học và chơi trong gia đình chỉ có con và người hướng dẫn. Con luôn là người được ưu tiên, các hoạt động cũng luôn được sắp đặt theo khả năng cũng như ý thích của con. Vì lẽ đó, con thật khó bỏ qua cái “tôi” để chấp nhận những quy định, ràng buộc chung trong nhóm và dần dần tự đẩy mình ra bởi sự khác biệt.
Hiểu luật chơi qua trò chơi luân phiên
Trước khi cho con cùng chơi với một nhóm trẻ, hãy cho con chơi ở nhà, với những người thân. Luật chơi đơn giản nhất có lẽ là chơi luân phiên. Các cha mẹ có thể bắt đầu hướng dẫn con với bộ đồ chơi câu ếch gỗ để con câu 1 lần và người hướng dẫn câu 1 lần. Ban đầu, trẻ sẽ chưa hiểu luật chơi và luôn hấp tấp khi chưa tới lượt, hãy luôn kiên trì và áp dụng các phương pháp giúp trẻ tập trung (ví dụ: yêu cầu trẻ nhìn theo cần câu của người hướng dẫn).
Hòa nhập và biết cạnh tranh
Trong việc hòa nhập, nếu như hiểu luật chơi luân phiên được gọi là sự nhường nhịn, con cũng rất cần có được sự cạnh tranh phù hợp trong các trò chơi.
Hãy tận dụng kỹ năng so sánh của con để tạo nên sự cạnh tranh trong các trò chơi tính điểm như xâu hạt. Tổ chức trò chơi giữa các thành viên trong gia đình và bấm giờ xem ai xâu được nhiều hạt vào dây hơn thì người đó chiến thắng và phần thưởng là những thứ gì con thích. Sau một vài lần thua và không được thứ mình thích, trẻ sẽ cố gắng chơi thắng để giành được phần thưởng. Những trò chơi này cũng giúp con hình thành sự tự tin khi hòa nhập cộng đồng.
Luôn rèn luyện, nhắc lại và áp dụng các kiến thức con đã có
Hòa nhập cộng đồng được coi là bước cuối cùng trong việc học tập các kỹ năng cơ bản của con. Bởi trong đời sống xã hội (đối với con là những giờ chơi chung với các bạn), các kỹ năng cần được sử dụng nhuần nhuyễn và phản xạ tư duy cũng được đẩy lên cao.
Vì vậy, các cha mẹ trước hết không được nóng vội khi chưa chuẩn bị cho con đủ hành trang cho việc hòa nhập. Bởi trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, lạc lõng, thậm chí hoảng loạn nếu bị đẩy ra môi trường xã hội khi chưa đủ kiến thức. ĐIều này gây ra căng thẳng, thậm chí là chối bỏ dữ dội mọi hoạt động xã hội từ trẻ.
Tiếp theo đó, cha mẹ hãy luôn ở gần con khi con chơi cùng nhóm bạn. Một mẹo nhỏ cho cha mẹ đó là luôn xưng hô với những đứa trẻ khác bằng bạn – tớ để có thể hòa mình vào trong nhóm trẻ và luôn ở sát bên con, hỗ trợ con ngya cả khi con đang tham gia trò chơi.