Hỏi: Con gái đã 13 tuổi, chưa có ngôn ngữ; biết người thân trong gia đình nhưng chưa biết cách ứng xử với người lạ. Mẹ đã thử dạy phát âm qua việc tráo thẻ từ, ghép từ với hình thấy con rất thích và chịu khó nhìn khẩu hình để phát âm. Mình muốn được biết thêm các bước chi tiết của việc tráo thẻ từ, ghép câu để dạy con ứng xử xã hội đối với người thân và tự bảo vệ mình trước người lạ.
Đáp: Đối với trẻ lớn đang bước vào độ tuổi dậy thì, việc giáo dục giới tính và cách ứng xử cần được đặt lên hàng đầu để các con vừa có kỹ năng tự phục vụ bản thân, giao tiếp ứng xử xã hội, vừa biết cách bảo vệ bản thân bằng việc phân biệt và có ứng xử phù hợp trước người quen, người lạ, phân biệt giới tính và nhận biết những người có thể hỗ trợ khi cần.
Sau đây là một vài gợi ý cho việc dạy và trang bị kiến thức về giới tính cho trẻ tại gia đình:
Chuẩn bị giáo cụ
Thẻ chữ và hình ảnh/đồ dùng gia đình có liên quan như bộ ảnh gia đình và bộ thẻ chữ tương ứng (cỡ A5).
Mục tiêu: Nhận biết rõ bản thân, người thân trong gia đình và người lạ (làm tiền đề dạy ứng xử với người lạ, tự bảo vệ mình trước các hành động xâm hại của người lạ); biết rõ giới tính (làm tiền đề dạy ứng xử và tự phục vụ bản thân).
Các thẻ chữ:
- Thẻ từ đơn: mẹ, ba, chị, bác, con (đại từ nhân xưng)
- Thẻ từ đôi:
Tên gọi: mẹ An, ba Bình… (gắn các đại từ chung với tên riêng);
Giới tính – độ tuổi: con gái, con trai, đàn ông, đàn bà (các tên gọi tùy theo thói quen của gia đình và ngôn ngữ địa phương) - Thẻ câu đơn:
Mẹ tên là An; Ba tên là …; Con tên là …
Hướng dẫn dạy học
- Kích thước các thẻ từ đơn và đôi: cỡ A5 (bằng thẻ hình), viết bằng bút dạ đỏ, chữ thường phía sau, đánh máy chữ thường (cỡ to: font Arial, cỡ 46, in đậm) để con đồng thời quen với 2 mẫu ký tự chữ in thường trong sách, truyện và chữ viết thường nét mềm (sử dụng trong tập viết ở Tiểu học).
- Ghi 2 câu ngắn giải nghĩa từ.
Ví dụ: Mẹ là người hàng ngày cho con ăn/đưa con đi chơi…; Mẹ là đàn bà (thông tin này dùng để dạy giới tính cho con) - Nạp thông tin kèm tráo thẻ hình và thẻ chữ.
Ví dụ đối với bộ thẻ gia đình có 4 hình gồm ba, mẹ, chị, bác giúp việc
Sẽ có 1 tập thẻ hình (4 hình) và tập thẻ chữ gồm: Đại từ nhân xưng; Giới tính; Tên riêng; Câu ngắn (như ví dụ trên). - Tráo thẻ:
Lần 1: Tráo thẻ hình và đọc t.tin( vd: mẹ, tên là An, ba, là người đàn ông khoẻ nhất nhà…): mỗi thẻ để dừng trước mặt con 5-10 giây và đọc to, ngắn gọn thông tin về người trong hình (nên viết thông tin này bằng bút dạ kính, không xoá được vào sau tấm hình để đọc mới nhanh và chính xác). Sau khi tráo xong 4 tấm hình này thì tráo liền sau là 4 thẻ đại từ nhân xưng (mẹ, ba..) khi tráo đến thẻ nào cũng nạp đúng thông tin như trên thẻ hình (Ví dụ: mẹ, tên là An)
Lần 2: Tráo thẻ hình và đọc thông tin gồm đại từ nhân xưng và thêm thông tin thứ 2 (Ví dụ: mẹ, là đàn bà) nếu con vẫn chú ý, thích thú với hình thì nhắc lại thông tin khác về tấm hình đó: bao gồm thông tin nạp lần 1 và lần 2 tạo thành câu phức làm rõ nghĩa hình/ từ đang tráo. (Ví dụ: mẹ, tên là A, là đàn bà). Sau 1 vài ngày nếu con thích thú với các t.tin về người thân thì có thể dừng lại tại mỗi hình hay từ để kể (thực chất là giải nghĩa, làm cho rõ hơn) về những người trong gia đinh. Ví dụ: me, tên là A, mẹ là người sinh ra anh/chị/em và con. Mẹ là người đàn bà lớn nhất trong nhà. Bây giờ mẹ đang học bài với con. Khi con đã có phản xạ học thì vừa nạp thông tin theo lối kể chuyện (” Câu chuyện xã hội”) vừa ngưng lời khuyến khích con điền từ.
Ví dụ: “Mẹ, là đàn…” – con điền từ: “bà” (giúp con luyện âm).
Lần 3: Tráo thẻ hình nạp thông tin về tên hoặc giới tính sau đó tráo thẻ câu ngắn giới thiệu tên hoặc giới tình (tương tự như lần 2). - Kiểm tra thông tin qua việc ghép thẻ hình với thẻ chữ:
Sau 1-2 ngày tráo bộ thẻ gia đình với các lần nạp thông tin thì bắt đầu từ ngày thứ 3 vừa tráo nhắc lại thông tin vừa đập thẻ ra để hướng dẫn con ghép thẻ hình với thẻ từ hoặc ghép từ với hình hoặc ghép từ với người thật (thẻ chữ ba đưa lại cho ba, chữ chị đưa cho chị…)
Cách 1: ghép thẻ từ với hình: đưa lên bàn 2 hình và đưa 1 từ ra yêu cầu: Lấy cho mẹ hình của từ này (các cha mẹ có thể lấy câu này làm mẫu cho dễ nhớ). Sau 2 lần yêu cầu nếu con chưa biết nhặt thẻ hình đưa cho mẹ thì mẹ nhắc bằng cách chỉ vào thẻ hình hoặc đẩy thẻ hình lại phía tay con (do con chưa hiểu lệnh và chưa có phản xạ tương tác nên sẽ phải nhắc vài lần, sau khoảng 2-3 ngày con sẽ biết cách học)
Cách 2: ghép hình với chữ: đưa ra 2 thẻ chữ ra và giơ 1 hình lên nói: “Lấy cho mẹ chữ của hình này.”
Lưu ý: mỗi lần kiểm tra chỉ đưa ra 2 lần, kiểm tra 2 từ hoặc 2 hình không nên kiểm tra quá nhiều theo kiểu liệt kê sẽ khiến con chán vì bị lặp lại nhiều lần.
Khi con đã quen, các cha mẹ có thể tăng dần độ khó bằng cách đưa ra 3-4 thẻ hình để cho con chọn một thẻ theo yêu cầu. Sau khi con quen với từ đơn và ghép được từ đôi/câu đơn, ta sẽ chuyển sang tráo thẻ từ đôi và ghép câu phức.