Dạy trẻ khái niệm toán học thông qua các đồ chơi

BTV Tuệ QuangDạy và học, Đồ chơi & Giáo cụ

Dạy con khái niệm về toán học

Những khái niệm cơ bản về toán học của trẻ lứa tuổi mầm non và tiền tiểu học cần biết đó là so sánh độ dài, chiều cao, kích thước, và các vị trí của đồ vật này so với những đồ vật khác…
Nhiều bậc phụ huynh đã nhận thức được những khái niệm này là nền móng cho việc phát triển tư duy sáng tạo và tư duy logic của con. Những khái niệm đó vô cùng đơn giản với người lớn – những người dạy trẻ nhưng chúng lại là những điều rất mới lạ đối với các con, nhất là những trẻ hiếu động, ít để ý tới các sự vật xung quanh. Vì vậy, dạy như thế nào cho đúng, cho phù hợp, không tạo ra sự căng thẳng cho trẻ là một chủ đề àm chúng tôi thường xuyên được hỏi.

Như đã chia sẻ ở bài viết trước, các khái niệm cơ bản đều có thể tìm thấy ở các đồ vật xung quanh trẻ, do đó, tổ chức các trò chơi đơn giản là một cách hiệu quả giúp trẻ học, hiểu và củng cố kiến thức của mình. Nếu các cha mẹ muốn dạy con về kích thước to-nhỏ, hãy chọn lựa những đồ chơi có hình dạng tương đồng nhưng khác nhau về kích cỡ như lồng hộp; dạy về chiều cao, độ dài có thể lựa chọn đồ chơi có hình khối đơn giản hoặc dễ dàng xếp chồng hoặc xâu lại với nhau

Lồng hộp

Đồ chơi lồng hộp thường ít khi trở thành lựa chọn của các cha mẹ khi mua sắm đồ chơi cho con. Tuy nhiên, chúng lại xuất hiện ở hầu hết các trường mầm non bởi sự linh hoạt và có thể tổ chức dạy về kiến thức và chủ đề đa dạng. Những minh chứng dưới đây sẽ giúp các cha mẹ phần nào hiểu được lí do này:

  1. Dạy về kích thướcso sánh kích thước:
    Khi trẻ bắt đầu làm quen với khái niệm này, người dạy nên bắt đầu với một hộp nhỏ nhất và một hộp lớn nhất giúp trẻ có thể phân biệt một cách dễ dàng. Khi trẻ đã bắt đầu nhận thức được về kích thước, phụ huynh có thể nâng độ khó bằng cách yêu cầu con so sánh những hộp có sự khác nhau ít hơn để giúp trẻ luyện sự tập trung và ghi nhớ lâu hơn về khái niệm này.
    Một khái niệm nữa về so sánh kích thước đó là lớn nhất – nhỏ nhất, trung bình và bằng nhau. Khi này, cha mẹ sẽ dùng nhiều hơn 2 khối và có thể nhiều hơn một bộ lồng hộp. Việc dần dần nâng cao bài học sẽ giữ cho trẻ luôn hứng thú với những điều mới mẻ xuất phát từ những gì con đã biết.
  2. Dạy về chiều cao và so sánh chiều cao giữa các vật:
    Bắt đầu từ bài tập luyện phối hợp tay – mắt là xếp chồng các khối hộp lên nhau, cha mẹ có thể dạy con về khái niệm cao thấp bằng cách chồng khối thành nhiều chồng với chiều cao khác nhau. Cũng với phương pháp nâng cao độ khó như trên, với sự hướng dẫn của cha mẹ, chắc chắn trẻ sẽ không cảm thấy chán với món đồ chơi này.
  3. Dạy về vị trí trong – ngoài:
    Không chỉ hướng dẫn trẻ cách xếp hộp nhỏ vào bên trong hộp to, cha mẹ còn có thể hướng dẫn các con xâu chuỗi logic: hộp nhỏ có thể nằm trong hộp to nhưng không thể ngược lại.

Trò chơi xâu hạt và làm móc xích

Trẻ không chỉ được rèn luyện và nâng cao kiến thức trong các bài học mà chơi, trẻ còn phát huy hết khả năng học học và sự tập trung trong các trò chơi mang tính thi đua. Đừng quên rằng con trẻ luôn học nhau rất nhanh và học một cách chủ động, thoải mái. Vậy tại sao không đưa anh/chị, em hoặc bạn nhỏ hàng xóm tham gia vào trò chơi của con.

Sau khi dạy các khái niệm cơ bản về dài – ngắn, đếm và so sánh số lượng nhiều – ít, các cha mẹ có thể tổ chức các cuộc thi nhỏ xem ai xâu dây/xâu móc xích dài hơn. Điều này không chỉ giúp con ghi nhớ tốt hơn khía niệm độ dài mà còn tăng khả năng nhanh nhạy trong việc nhật biết và so sánh dài nhớ – ngắn hơn và nhiều hơn – ít hơn.

Dạy trẻ mọi lúc mọi nơi với nhiều hình thức

Các cha mẹ hãy luôn nhớ rằng, con của chúng ta không cần học những gì quá khó để phải ngồi bàn mới có thể tổ chức dạy học. Hãy luôn linh hoạt, sáng tạo để dạy con mọi lúc mọi nơi. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với các bậc cha mẹ ít có thời gian dành riêng cho con.

Tại sao lại phải bỏ quá nhiều công việc khi các mẹ có thể dạy con gái về khái niệm hình học cơ bản bằng cách so sánh bát gạo đầy hơn và bát gạo vơi hơn, bó rau nào to hơn bó nào ; các bố có thể dạy con trai ốc vít nào dài hơn/to hơn, ốc vít nào ngắn hơn/nhỏ hơn trong cuộc sống gia đình thường nhật!