Dạy toán cho trẻ 3 tuổi như thế nào?

BTV Tuệ QuangDạy và học, Kỹ năng

Dạy toán cho trẻ 3 tuổi như thế nào?

Ai cũng hiểu Toán là 1 trong 2 lĩnh vực quan trọng nhất mà bất cứ 1 đửa trẻ nào muốn đến trường đều phải học và hiểu những kiến thức căn bản của Toán. Vì vậy, Trung tâm Tuệ Quang xin đưa ra một vài phương pháp giúp trẻ lứa tuổi mầm non làm quen với những khái niệm đầu tiên của Toán học.

Trẻ 3-4 tuổi cần thuộc mặt số từ 1 đến 10 (nên dạy thêm số 0 và khái niệm: không – không có gì); biết lượng tương ứng với số trong phạm vi 5; biết thêm – bớt (gộp – tách) trong phạm vi 5.

Gợi ý các giáo cụ dạy Toán

  1. Các chữ số từ 0 đến 10 được cắt bằng đề can màu đỏ dán lên: mica (miếng nhựa trong), xốp ximili, bìa catton cứng, các số trong bộ đồ chơi thông minh… Kich thước số tùy thuộc vào khả năng nhìn hiểu của con để quyết định cỡ chữ số là bao nhiêu – thường số nên cắt có độ cao 5cm (nhớ chọn mẫu chữ số chuẩn của Bộ Giáo dục – tham khảo sách Toán lớp 1).
  2. Các ly, cốc đồ chơi có dán số; các toa tàu có đánh số hoặc các mảnh gỗ có đánh số từ 0 đến 10.
  3. Các viên sỏi, viên bi,… có số lượng từ 15-20 viên.

Cách dạy

B1: Tráo thẻ số (tách làm 2 tập thẻ gồm: từ 1 đến 5 và 6 đến 10, số 0 để riêng sẽ giới thiệu ở B3).
Tráo lần lượt từ nhỏ tới lớn và đọc to các số (mỗi lần tráo 1 tập số rồi cho con chơi hoặc học 1 nội dung khác sau đó tráo và đọc tiếp tập số con lại – tránh việc đọc quá nhiều số làm con nhanh chán hoặc vượt quá ngưỡng tập trung của con).

B2. Đăt 2 số lên bàn yêu cầu lấy 1 số (thường sau 3-5 lần tráo thẻ số là đập ra bàn yêu cầu con chỉ, nhặt hoặc đưa số).
Chỉ yêu cầu con nhận mặt nhiều nhất là 3 số liên tục trong 1 hoạt động (không kiểm tra quá nhiều gây căng thẳng và nhàm chán cho con).
Sau khi con nhận đúng mặt số liên tiếp 3 lần thì làm khó yêu cầu bằng cách đặt 3 số chọn 1 hoặc 2 số chọn số bé hơn (lớn hơn) hay số liền trước, liền sau.

Ví dụ: đặt ra số 1 và 3 có các câu lệnh sau:
“Chỉ/lấy số 1”; “Chỉ/ lấy số nhỏ hơn số 3”; “Chỉ/lấy số liền trước trước số 2”.

B3. Xếp chuỗi số (nên bắt đầu bằng chuỗi từ 1 đến 2 rồi tăng dần 1 đến 5, 1 đến 10 và giới thiệu số 0).
Ở bước này ngoài việc dùng các con số để xếp còn cho con chơi xếp ly/cốc, xếp mảnh gỗ, xếp đoàn tàu… (hãy giúp con chơi các trò chơi yêu thích gắn với các con số)
Tại bước này làm rõ khái niệm số đứng trước số đứng sau, số liền trước số liền sau (thậm chí với những bé thích số có thể dạy chẵn-lẻ).

B4: Ghép lượng tương ứng với số
Bắt đầu trong phạm vi từ 1 đến 3 rồi nâng dần đến 5.
Dạy con đếm các hạt sỏi, viên bi, mẩu gỗ, các toa tàu… trong phạm vi 5 và đặt ra bắt đầu là 1 rồi tăng lên 2 và 3 chữ số.

Ví dụ: Đặt lên bàn số 1 và nói: “Nhặt số bi bằng số này” (tay chỉ vào số 1), đẩy 1 viên bi về phía tay con khuyến khích con nhặt để vào bên cạnh (hoặc trên hoặc dưới) số 1 và khích lệ: “Đúng rồi! 1 con nhặt 1 viên bi”.  Đừng quên giúp con nhớ lại mặt số bằng câu hỏi như: “Số này là mấy?” (đăt số 2 hoặc 3 lên bàn) khuyến khich phát âm: hai (ba). Đưa yêu cầu: lấy số bi bằng số này (lặp lại như với số 1).
Chơi vài lần với nhiều giáo cụ/ đồ chơi con sẽ hiểu lượng – số.

B5: Nạp khái niệm: thêm – bớt.
Khi con đặt lượng tương ứng số từ 1 đên 3 chắc rồi thì yêu cầu: cho bớt hoặc lấy thêm.

Ví dụ: con nhặt được 3 viên bi để vào số 3, yêu cầu: “Cho mẹ xin 1 viên” (nếu con chưa hiểu, hãy giúp con nhặt đưa mẹ 1 viên) và hỏi: “Con còn mấy viên?” và cùng con đếm và chỉ ra chữ số tương ứng với số bi còn lại.

Tại đây, các cha mẹ cũng nên nạp luôn cho con khái niệm ít (1) và nhiều (lớn hơn 1). Để con dễ hiểu nên cho con so sánh qua lượng viên bi/hạt sỏi/… con vừa đăt vào 2 số và 2 số này phải có khoảng cách ít nhất từ 2 đơn vị trở lên. Nghĩa là so sánh 1 với 3 hoặc 3 với 5 (do với nhiều trẻ, 1 với 2 không khác biệt nhiều nên con khó phân biệt).

Như vậy, khi dạy con làm quen với mặt số chúng ta cũng đồng thời dạy hết các khái niệm toán học cơ bản để con hiểu rõ bản chất của các con số chứ không đơn thuần là thuộc vẹt (có thể đọc xuôi, ngược từ 1 đến 10 nhưng nếu hỏi số bất kỳ hoặc hỏi số nào lớn/ nhỏ; liền trước/ liền sau lại không biết).
Các cha mẹ đừng quên tạo ra thật nhiều trò chơi để con chơi với các con số và luôn thấy thích thú.