Hỏi: Con đã nói được đủ câu ngắn nhưng chỉ là nói theo và chỉ nói khi được yêu cầu theo câu mẫu.
Trả lời: Con chủ động nói thường trong 2 tình huống sau:
1.Có nhu cầu cần thiết như: đồ ăn yêu thích, đồ chơi…
2.Trong tình trạng bức xúc và với những tình huống này con thường chỉ nói từ đơn và sẽ đóng vòng giao tiếp.
Con chỉ nói theo khi được yêu cầu và nói lại câu mẫu bởi khả năng ngôn ngữ con có nhưng có thể người dạy đã vô tình tạo thói quen nói mẫu và yêu cầu con nói lại câu mình vừa nói trong một thời gian dài thay vì nạp cho con 1 lượng từ nhất định với việc hiểu nghĩa của từ và hiểu rõ cách sử dụng những từ này.
Vì vậy, người dạy cần tạo những tình huống khuyến khích con phát sinh nhu cầu ( VD: cùng chơi đùa, giấu vật con thích rồi khuyến khích con đi tìm, hỏi, nói tên đồ vật..) đồng thời nạp từ cho con qua các hoạt động này ( thường là nạp tên các đồ vật với thông tin cơ bản: công dụng, màu săc, hình dạng, vị trí đặt/để đồ vật…) như vậy con sẽ dần dần chủ động trong giao tiếp ngôn ngữ.
Mặt khác, do người dạy duy trì cách nói theo kiểu “ câu lệnh” trực tiếp khiến cho con có thói quen thụ động, chờ được yêu cầu mới hành động và tương tác ngôn ngữ. Vì vậy, khi con đã hợp tác bằng việc nói theo câu mẫu thì người dạy cần linh hoạt trong các câu lệnh, giảm dần câu lệnh trực tiếp và thay bằng câu hỏi hoặc câu nói gợi ý giúp con tự lựa chọn hành động và chủ động phát âm.
VD: Khi nghe hiểu và tương tác kém ta dùng câu lệnh: Vặn vòi nước rửa tay( khi tay con bị lấm bẩn).
Khi con đã nghe hiểu và tương tác khá( từ 50% yêu cầu trực tiếp) thì nên sử dụng câu gợi ý: Tay con bẩn rồi, vậy phải dùng gì để rửa sạch?( chờ 1 khoảng thời gian nhất định cho con tự tư duy- thường là 5 – 10s) rồi gợi ý tiếp: nước rửa sạch tay. Vậy con tìm gì để rửa tay nào?…
Ngoài ra, do thiếu tập trung nên con thường không đủ thời gian để sắp xếp các từ thành câu và việc thực hiện song song các bài tập luyện tăng cường vận động, bổ sung oxy cho não cũng cần được thực hiện đều đặn với thời lượng phù hợp.