Ngoài những nguyên nhân khiến trẻ không hợp tác trong những giờ học trên bàn, một yếu tố quan trọng nữa lưu giữ sự hứng thú và tập trung của trẻ đó là nội dung học. Một bài học được chuẩn bị kỹ lưỡng kèm theo sự gợi mở thú vị sẽ khiến trẻ tự giác lên bàn một cách thoải mái.
Một giờ học thoải mái, tự giác không chỉ giúp việc nạp kiến thức trở nên nhanh hơn mà còn giúp trẻ tạo thánh thói quen, nề nếp học tập trong tương lai.
Đối với bất cứ giáo viên hay phụ huynh nào, việc tìm ra cách thức dẫn dắt bài học phù hợp với trẻ luôn là công việc tiêu tốn nhiều thời gian. Vì vậy, trước khi tham khảo nội dung dưới đây, hãy lưu tâm rằng người dạy cần tìm hiểu và nắm bắt tâm lý của trẻ trước khi có thể tạo ra những giờ dạy đầy hứng khởi.
1. Trước mỗi buổi học
Trước mỗi buổi dạy trẻ, người dạy không nên để bị cháy giáo án khi thời gian ngồi bàn của con vẫn còn. Người dạy cần phải có sự linh hoạt từ 1 nội dung nhưng có thể dạy con được nhiều thứ, tránh việc dạy dàn trải quá nhiều nội dung. Tuy vậy, người dạy nên dành thời gian ít nhất 20 phút trước khi đưa trẻ lên bàn để chuẩn bị giáo cụ và đặt ra một mục tiêu cụ thể cho buổi học đó.
Ví dụ: ở hoạt động thao tác với đất nặn có thể dạy con về hình dạng, màu sắc, dài ngắn, sở hữu, số – lượng… để phong phú nội dung dạy mà không bị cháy giáo án.
2. Bắt đầu bằng thứ con thích
Hãy bắt đầu đưa con tới bàn học bằng những đồ chơi/trò chơi mà con thích nhất, hứng thú nhất (tạo không khí vui vẻ giúp con phấn khích theo trò chơi mà quên đi cái bàn và việc phải ngồi ghế lâu). Nếu với hoạt động đó mà con vẫn không chịu lên bàn thì người dạy nên chơi cùng con ở dưới sàn nhà cho tới khi con thích nghi rồi thì từ từ chuyển con lên bàn (lưu ý lựa chọn các hoạt động phù hợp). Hãy lưu ý rắng, những gì con thích đôi khi không phải là thứ người lớn nghĩ rằng con thích. Đó đôi khi có thể chỉ là một cây bút có hình dáng mà con chưa thấy bao giờ, thậm chí có khi là một đồ vặt trong túi xắc của mẹ hoặc một dụng cụ trong hộp đồ sửa chữa của bố.
Nếu con đang rất hứng thú hoặc quan tâm tới một hoạt động (có thể là vô thức như: nhìn quạt quay hay gõ tay vào hộp…) thì cần giảm dần và cắt nguồn gây chú ý cho con rồi đưa vào một hoạt động chơi gần giống hoạt động trước hoặc vẫn sử dụng phần công cụ/đồ chơi của hoạt động trước để dẫn con lên bàn.
Lưu ý: luôn tạo bất ngờ và khơi ngợi sự tò mò cũng như niềm háo hức từ phía con để con dễ dàng chấp nhận và hợp tác cùng cha mẹ (hãy sử dụng giọng nói/nét mặt biểu cảm, vui vẻ kích thích con tham gia).
3. Tận dụng thời gian trên bàn
Theo nhiều nghiên cứu, ngay cả người lớn cũng chỉ giữ được sự tập trung tối đa trong vòng 30 phút trước khi bị xao nhãng bởi môi trường xung quanh.
Vì vậy, đừng để con chờ lâu hơn 10 giây trên bàn trong im lặng. Ngay khi con đang làm hoạt động nào đó người dạy phải nghĩ ngay đến nội dung tiếp theo sẽ dạỵ con là gì và chuẩn bị sẵn sàng (cả giáo cụ lẫn ý tưởng trong đầu) khi con kết thúc hoạt động đó. Không để con chờ đợi mẹ/cô tìm nội dung tiếp theo cho bài học. Nếu như chưa kịp nghĩ ra mẹ/cô có thể hát cho con nghe một bài mà con thích và nghĩ trong đầu nội dung sẽ dạy con hoặc thưởng cho con một đồ vật nào đó mà con thích trong khi chờ đợi chuẩn bị bài.
4. Kỷ luật nhưng không cứng nhắc
Mặc dù việc học trên bàn luôn phải song hành với việc thiết lập kỷ luật. Tuy nhiên, những kỷ luật đưa ra trong bài học phải hợp lý, nương theo tâm lý và tuyệt đối không cứng nhắc khiến trẻ ghét ngồi bản và hành xử dữ dội với người dạy.
Không để con ngồi bàn quá lâu: người dạy không nên ép con ngồi bàn quá lâu. Dựa vào ngưỡng của con tại từng thời điểm để ướm thời gian ngồi bàn phù hợp với khả năng của con. Luôn nhìn vào mắt trẻ, quan sát để phát hiện ra con có hứng thú học nữa hay không để nhanh chóng đưa ra 1 câu lệnh cho con ra ngoài vận động/ tương tác bên ngoài/chơi trò chơi con thích hoặc mới lạ với con trên bàn (xếp hình, tô vẽ…) trước khi con chán sau đó lại tiếp tục đưa con về bàn hoặc thực hiện tiếp các nội dung học khác (Lưu ý: vẫn bắt đầu từ cái con thích nhất).
Đôi khi con vừa ngồi lên bàn là chán, tự ý rời bàn: Không nên vội vàng cho con học ngay mà hãy bắt đầu bằng một hoạt động nào đó để tạo hứng thú cho con có thể là từ cái con thích nhất hoặc từ hoạt động mà con thích như ú òa, hát, làm các động tác liên quan đến bài hát, chơi các trò chơi mầm non hay chơi để con thực sự có hứng để lôi kéo con vào nội dung bài học.
Luôn lưu ý ngưỡng tập trung của trẻ thay đổi theo từng lứa tuổi. Cha mẹ hãy căn giờ và tổ chức các hoạt động ngoài bàn học trước khi trẻ có hành vi phản kháng. Sau đây là thời gian tập trung tối đa của trẻ theo độ tuổi (mang tính chất tham khảo):
Thời gian ngồi bàn theo lứa tuổi chuẩn
2-3 tuổi: 15 phút
3-4 tuổi: 20-25 phút
4-5 tuổi: 30 phút
5-6 tuổi: 35-40 phút
Tuy vậy, không nên căn cứ vào tuổi thực của con mà cần đánh giá đúng mức độ hiện tại của con (tập trung, nghe-hiểu; tuân thủ kỷ luật…) để thiết lập giờ ngồi bàn với nhiều hay ít nội dung học (kém tập trung, ngồi bàn nhanh chán thì cần nhiều nội dung học và học đơn giản; Tập trung tốt thì ít nội dung học nhưng tập trung vào việc rèn luyện tư duy xâu chuỗi logic).
Trong phần tiếp theo của loạt bài viết, Tuệ Quang sẽ tiếp tục đem tới cho cha mẹ những phương pháp và gợi ý trong quá trình dạy trẻ trên bàn.